ĐIỂM YẾU TRONG THIẾT KẾ BỆNH VIỆN
Trong các loại hình công trình
công cộng, bệnh viện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần đáng kể
trong việc điều trị và chăm sóc bệnh nhân. Tầm quan trọng này khiến bệnh
viện trở thành công trình có đòi hỏi cao về giải pháp thiết kế cũng như
công nghệ xây dựng.
Trong thực tế thiết kế ở không ít bệnh
viện, do đội ngũ thiết kế không am hiểu tường tận về dây chuyền công
năng cũng như các yêu cầu ngặt nghèo về điều kiện vệ sinh và vô khuẩn đã
dẫn đến những hiệu quả khó lường.
Nhiều bệnh viện được xây dựng quá nhiều
kính và kín bưng, khiến không khí không thể lưu thông, dễ gây ô nhiễm và
lây nhiễm chéo khi không đảm bảo điều kiện vi khí hậu cũng như lượng
khí tươi vào phòng.
Đầu năm 2003, bệnh Sars (Hội chứng hô
hấp cấp tính nặng) ở Việt Nam được ghi nhận từ một người Trung Quốc. Sáu
ngày sau khi bệnh nhân nhập viện, một số nhân viên y tế tại bệnh viện
Việt – Pháp đã xuất hiện các triệu chứng viêm đường hô hấp cấp. Sau một
thời gian ngắn, con số bị nhiễm bệnh lên tới 63 người. Chủ yếu các
trường hợp mắc đều có liên quan dịch tễ với nguồn lây từ bệnh viện Việt –
Pháp, do có tiếp xúc trong môi trường lây nhiễm. Một trong những nguyên
nhân là do bệnh viện Việt – Pháp sử dụng hệ thống điều hòa không khí
không được lọc khuẩn nên rất có thể bệnh đã lây lan qua con đường này.
Có những bệnh viện, khu vực cấp cứu lại
nằm quá xa cổng chính (đến gần trăm mét) điều nay làm cho việc chăm sóc
và điều trị bệnh nhân kịp thời trở nên vô nghĩa.
Vì vậy, người thiết kế bệnh viện phải là
kiến trúc sư chuyên ngành, am hiểu về dây chuyền hoạt động của bệnh
viện, có thông tin đầy đủ về hệ thống văn bản pháp quy, về trình độ
KHCN, trang thiết bị, máy móc trong ngành y tế và có nhiều năm kinh
nghiệm thực tiễn. Điều này sẽ rất có ích trong việc thiết kế một bệnh
viện đúng quy chuẩn quốc tế và khu vực.
Một thiết kế bệnh viện đáp ứng yêu cầu
là phải thỏa mãn nhu cầu khác nhau của người sử dụng: chủ đầu tư, bác
sĩ, nhân viên y tế, người bệnh, người nhà bệnh nhân… trong đó lấy người
bệnh là đối tượng chủ đạo. Một bệnh viện có đội ngũ y bác sĩ giỏi, có
tay nghề nhưng trong môi trường và điều kiện cơ sở vật chất không hợp lý
thì khó đòi hỏi kết quả điều trị tốt hơn.
Theo Quy chế bệnh viện, tùy theo quy mô
và hạng bệnh viện cũng như chức năng, nhiệm vụ và tổ chức mà bệnh viện
có các phòng ban và khoa khám, chữa bệnh khác nhau. Sự đa dạng này được
phản ánh trong phạm vi và sự chuyên biệt của các quy định, các văn bản
quản lý. Tuy nhiên mỗi mô hình, loại hình bệnh viện đều phải dựa trên
các nguyên lý thiết kế cơ bản. Những yêu cầu cơ bản phải mang tính bắt
buộc. Bên cạnh đó tùy theo mức độ dịch vụ, tiêu chí chủ đạo bệnh viện,
các quy định về tiện nghi liên quan đến giường bệnh và điều kiện chăm
sóc bệnh nhân sẽ đưa ra những yêu cầu cho từng giải pháp thiết kế, xây
dựng và công nghệ khác nhau.
Để khắc phục những hạn chế trên đây,
chúng ta cần có cách tiếp cận mới trong xây dựng các quy định trong
thiết kế bệnh viện. Những yêu cầu mang tính bắt buộc liên quan đến an
toàn, sức khỏe và môi trường phải được điều chỉnh trong hệ thống quy
chuẩn kỹ thuật quốc gia. Về vấn đề này Bộ Y tế và Bộ Xây dựng cũng đang
triển khai biên soạn.
Việc xây dựng tiêu chuẩn theo các loại
hình bệnh viện như được nêu trong quy hoạch phát triển mạng lưới khám
chữa bệnh đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020 cần phải xem lại (ví dụ
như xây dựng tiêu chuẩn riêng cho loại hình bệnh viện quận huyện, bệnh
viện khu vực…). Nên chăng chỉ xây dựng tiêu chuẩn chung cho bệnh viện đa
khoa, bệnh viện chuyên khoa và tiêu chuẩn cho các khoa cơ bản trong
bệnh viện như khoa phẫu thuật, khoa chẩn đoán hình ảnh, khoa xét nghiệm,
khoa sản, khoa nhi… Nội dung tiêu chuẩn chỉ nên ra những yêu cầu tối
thiểu phải đạt được để khuyến khích đạt được ở mức cao hơn.
haadvn
theo kienviet.net
Nhãn: Tin Tức
<< Trang chủ