Dự báo gì về bất động sản 2013?
Thị trường bất động sản năm 2012 đã qua đi trong sự buồn chán và thất vọng của giới đầu tư. Có thể nói chưa bao giờ thanh khoản của thị trường lại sụt giảm như năm vừa qua, trong đó có nhiều dự án suốt năm trời không có một giao dịch.
Năm mới Quý Tỵ vừa tới cùng
hàng loạt giải pháp gỡ khó cho thị trường và doanh nghiệp đã được phát
đi từ Chính phủ và các bộ ngành, ít nhiều tạo sự kỳ vọng cho các doanh
nghiệp địa ốc về một năm mới khởi sắc.
Nhân dịp đầu năm Quý Tỵ,
VnEconomy giới thiệu 10 nhận định của các nhà quản lý, chuyên gia, doanh
nhân về triển vọng thị trường bất động sản trong năm nay.
“Chắc chắn thị trường sẽ cải thiện”
(Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng)

“Thực
tế thị trường bất động sản Việt Nam vẫn còn non trẻ, lại liên quan đến
nhiều ngành, nghề, lĩnh vực nên khi thị trường gặp khó khăn cần phải có
sự vào cuộc quyết liệt của các địa phương cũng như Chính phủ, các bộ,
ngành để vực thị trường dậy. Tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động
sản chính là tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, vì bất động sản đóng băng
như hiện nay là một “nút thắt” ảnh hưởng đến tăng trưởng và phát triển
bền vững của nền kinh tế.
Trong năm Quý Tỵ và cả những năm tiếp
theo, xu hướng chuyển đổi các dự án từ nhà ở thương mại quy mô lớn, đắt
tiền sang nhà ở quy mô nhỏ, rẻ tiền, phù hợp với nhu cầu của đại đa số
người dân sẽ phát triển mạnh. Ở Hà Nội, Tp.HCM và các thành phố khác, xu
hướng phát triển nhà ở xã hội sẽ làm giá rẻ đi rất nhiều so với nhà ở
thương mại cùng loại. Giá nhà ở khoảng 300 - 500 triệu đồng/căn là có
thực, người dân hoàn toàn có khả năng tiếp cận với giá nhà như vậy.
Tôi
tin rằng, với những giải pháp được đánh giá là trúng và khả thi, cùng
với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự vào cuộc của các cơ quan
quản lý từ cấp Trung ương đến địa phương, sự cố gắng, nỗ lực tự điều
chỉnh của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, cộng đồng trách
nhiệm của các tổ chức tín dụng, cùng với sự hồi phục của kinh tế thế
giới, sự ổn định của kinh tế vĩ mô trong nước, lạm phát được kiềm chế,
lãi suất tín dụng giảm đến mức hợp lý và đặc biệt là niềm tin của người
dân đối với thị trường, chắc chắn thị trường bất động sản năm 2013 sẽ có
bước cải thiện, tạo đà cho sự phát triển ổn định vào các năm sau”.
Quan trọng là làm sao lấy lại được niềm tin
(Ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường)

“Hiện
nay, bài toán vốn cho thị trường bất động sản là một trong những yếu tố
rất quan trọng. Tuy nhiên, đối với nhà đầu tư phía Nam thì vốn của thị
trường bất động sản tác động nhiều hơn so với nhà đầu tư phía Bắc bởi
theo thống kê, các nhà đầu tư bất động sản phía Bắc dùng khoảng 70% vốn
gọi từ dân thông qua mua bán nhà trên giấy, thông qua góp vốn và chỉ có
30% dùng vốn từ tín dụng. Ngược lại các nhà đầu tư ở phía Nam thì có tới
70% vốn từ tín dụng và 30% vốn từ dân.
Bên cạnh đó, chúng ta
cũng nói rất mạnh về tái cấu trúc thị trường tiền tệ, tái cấu trúc ngân
hàng để giúp thị trường bất động sản có lợi thế. Quá trình tái cấu trúc
ngân hàng sẽ tác động rất lớn đến các chủ đầu tư bất động sản, nhất là
những doanh nghiệp phụ thuộc lớn vào ngân hàng.
Tuy nhiên, điều quan trọng là hiện nay người dân đang mất niềm tin vào thị trường bất động sản.
Do
vậy, điều quan trọng là thị trường làm sao lấy được niềm tin từ dân để
họ sẽ mạnh dạn đầu tư vào thị trường bất động sản. Trong năm 2013, khả
năng nhiều dự án giá thấp sẽ xuất hiện và nếu đầu ra được khơi thông thì
thị trường bất động sản sẽ sớm phục hồi”.
Nhiều tín hiệu tốt cho thị trường
(Ông Phan Thành Mai, Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam)

“Trong
năm 2013 sẽ có những khuynh hướng nguồn vốn tích cực cho thị trường bất
động sản. Nguồn vốn đó chính là việc Chính phủ cho phép sử dụng 30.000
tỷ đồng vốn ngân sách Trung ương kế hoạch năm 2013 và vốn trái phiếu
chính phủ giai đoạn 2013 - 2015 trong năm 2012 nhằm tháo gỡ khó khăn cho
doanh nghiệp và kích thích tăng tổng cầu.
Bên cạnh đó, thị
trường bất động sản cũng sẽ đón nhận nguồn vốn từ các ngân hàng có lãi
suất cho vay tiếp tục hạ. Báo cáo của 69 tổ chức tín dụng cho thấy, có
71% các khoản vay cũ được hưởng mức lãi suất 15%/năm và các khoản vay
mới có mức lãi suất 10 - 15%/năm.
Ngoài ra, nguồn vốn từ các quỹ
nhà ở kích thích nguồn cầu, quỹ mở, quỹ đầu tư bất động sản. Đó chính là
những tín hiệu tốt cho thị trường, đặc biệt là ở góc độ vốn đầu tư”.
2013 vẫn là năm đầy khó khăn của thị trường
(Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM)

“Chắc
hẳn chúng ta còn nhớ năm 2011 và 2012 là hai năm khó khăn nhất của thị
trường bất động sản, trong đó nổi lên hai vấn đề lớn nhất là hàng tồn
kho với giá trị cao và nợ xấu. Đây cũng là hai vấn đề lớn nhất mà các
doanh nghiệp phải đối mặt trong năm 2013. Khó khăn nay lan tỏa và ảnh
hưởng tới nhiều ngành, nghề và lĩnh vực khác.
Năm 2013 sẽ vẫn là
năm đầy khó khăn đối với thị trường bất động sản và các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, với chủ trương chính sách mới của Chính phủ, các bộ ngành địa
phương đang thực hiện sẽ giúp cho thị trường bất động sản bớt khó khăn,
các doanh nghiệp cũng tháo gỡ bớt khó khăn và giải quyết hàng tồn kho
trên thị trường. Đồng thời, nó góp phần giúp cơ cấu và xử lý nợ xấu cho
các doanh nghiệp.
Trước thực tế khó khăn của thị trường, chúng
tôi cũng đã kiên trì đề xuất và vui mừng là lãnh đạo Tp.HCM và Chính phủ
đã lắng nghe và thống nhất nhiều kiến nghị của chúng tôi. Doanh nghiệp
bất động sản kỳ vọng nhất vào lúc này là Nghị quyết 02 của Chính phủ
được triển khai nhanh, đặc biệt là gói tín dụng cho người mua bất động
sản đầu tiên có diện tích nhỏ, với lãi suất trên dưới 6%/năm”.
Hoạt động mua bán, sáp nhập sẽ rất sôi động
(Ông Lương Trí Thìn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Địa ốc Đất Xanh)

“Tôi
cho rằng, năm 2012 là một năm xấu, và trong năm 2013 bất động sản cũng
chưa thể tốt lên nhưng vẫn có cơ hội cho những nhà đầu tư có chiến lược
dài hạn và nguồn vốn lớn. Bởi vì, khi các dự án đã xuống đến đáy thì
người mua có ưu thế để đàm phán mua được sản phẩm với giá tốt, cũng như
có nhiều lựa chọn để đầu tư.
Có những người cho rằng giai đoạn
năm 2012 – 2013 là xấu nhưng cũng có những người cho rằng giai đoạn này
rất tốt, bởi vì trên thị trường luôn có điểm sáng: xấu của người này
nhưng lại là cơ hội cho người khác.
Sau khi thị trường đã đi
xuống bao giờ cũng có mua và bán, thứ hai là thị trường đổi ngôi từ
người này qua người khác, từ công ty này qua công ty khác. Vì vậy, các
hoạt động mua bán, sáp nhập (M&A) sẽ rất sôi động.
Tôi nhận
định năm 2013 sẽ là một năm lịch sử về các hoạt động M&A ở hai
phương diện: một là các doanh nghiệp Việt Nam chuyển nhượng các dự án
cho doanh nghiệp ở Việt Nam, hai là các doanh nghiệp nước ngoài đổ vào
Việt Nam để mua lại dự án với mức giá hấp dẫn”.
Nhà ở xã hội sẽ lên ngôi
(Ông Nguyễn Hữu Cường, Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội)

“Theo
tôi, các đề xuất tham mưu của Bộ Xây dựng, các chỉ đạo của Chính phủ
vừa qua là những động thái rất kịp thời. Phải nói rằng, sau khoảng 10
năm thì cộng đồng kinh doanh bất động sản mới thấy được sự vào cuộc
quyết liệt để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản. Cũng lâu rồi
người ta mới thấy Bộ Xây dựng hoạt động hết “công suất” để hỗ trợ doanh
nghiệp và các nhóm chính sách khác.
Do đó, trong năm Quý Tỵ này,
thị trường sẽ chứng kiến sự bùng nổ của nhà ở xã hội, phân khúc trên
dưới 30m2, giá bán khoảng 300 - 400 triệu đồng/căn. Đây cũng sẽ là cuộc
chạy đua của các doanh nghiệp hiện đang sở hữu các lô đất sạch, được hỗ
trợ về vốn...
Tôi không muốn dự báo thị trường năm nay sẽ màu
hồng hay màu xám, song với sự quan tâm quyết liệt của Chính phủ thì chắc
chắn thị trường nhà ở xã hội sẽ lên ngôi, các nhóm đối tượng được hưởng
chính sách nhà ở của nhà nước sẽ được cải thiện hơn nhiều”.
Thị trường bất động sản năm 2013 tiếp tục khó khăn
(Ông Troy Girffiths, Phó giám đốc điều hành Savills Việt Nam)

“Theo
dự báo của chúng tôi thì thị trường bất động sản năm 2013 tiếp tục khó
khăn. Riêng ở Hà Nội, nguồn cung tăng đạt khoảng 60.000 căn hộ từ 110 dự
án, thị trường biệt thự tiếp tục rớt giá, đất biệt thự tiếp tục giảm
giá mạnh.
Tuy nhiên, thị trường vẫn có điểm sáng, đó chính những
khó khăn của thị trường tài chính toàn cầu tiếp tục gây áp lực lên lợi
nhuận của tất cả các phân khúc trên thị trường bất động sản. Theo đó,
dòng vốn đầu tư vẫn đang chảy vào thị trường mới nổi của các nước châu
Á.
Việt Nam đang có vị thế thuận lợi để tận dụng tối đa các thế
mạnh cạnh tranh trong thị trường khu vực, lại là một trong những nước có
tỷ lệ đô thị hóa thấp nhất và là một trong những nước có mật độ nhà ở
cao nhất. Đây là dấu hiệu tốt cho phát triển nhà ở tương lai”.
Thị trường năm nay sẽ còn khó khăn lắm
(Ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty Bất động sản Đất Lành)

“Dù
tôi không phải người bi quan thì cũng dự báo rằng, thị trường năm nay
sẽ còn khó khăn lắm. Ngay từ cuối năm 2011, tôi đã nói thị trường trong
năm con Rồng sẽ biến thành con Rắn và thực tế thị trường ngày càng đi
xuống.
Giải pháp của Chính phủ đưa ra vừa qua có cụ thể hơn. Việc
cho chuyển nhà thương mại không bán được sang nhà ở xã hội cũng cần
phải cân nhắc lại vì thực tế việc tồn kho của phân khúc này là do giá
quá cao, còn những căn hộ giá vừa phải thì đều đã bán hết. Giờ đây nếu
cho chuyển sang nhà xã hội thì người thu nhập thấp cũng không thể đủ
tiền mua. Giải pháp tốt hơn theo tôi là cho doanh nghiệp chẻ nhỏ căn hộ
rồi tự bán ra thị trường.
Nhìn một cách khách quan, các giải pháp
mà cơ quan quản lý đưa ra chưa thể mở toang cánh cửa, nên e rằng sẽ khó
thành công. Thị trường chỉ có thể thay đổi nếu chúng ta cho những người
đã lỡ đầu tư căn hộ lớn chẻ nhỏ căn hộ ra, còn những người đang thi
công dở dạng hoặc đã có đất, có hạ tầng thì nên cho họ làm nhà ở xã hội
theo phương thức thương mại, kinh doanh tự do ngay từ đầu.
Hiện
thị trường bất động sản giống như một người bệnh rất nặng. Về cơ bản thì
bác sỹ chuẩn đoán khá đúng bệnh rồi, vấn đề quan trọng lúc này là liều
thuốc phải đủ mạnh và đúng lúc mới khỏi được bệnh nhanh. Còn nếu thiếu
một hoặc cả hai yếu tố đó thì thuốc đưa ra cũng không thể cứu được, có
thuốc cũng như không”.
Thuốc bắc nên cũng phải ngấm từ từ
(Ông Ngô Thế Vinh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Bất động sản Vinh Gia)

“Thị
trường từ nay đến tháng 9/2013 vẫn ảm đạm vì chính sách của nhà nước
luôn có độ trễ từ 6 - 9 tháng. Do vậy, nếu có ấm trở lại thì khả quan
nhất cũng phải cuối năm. Tuy nhiên, các phân khúc nhà giá rẻ có thể sẽ
khởi sắc sớm hơn nhờ các chính sách hỗ trợ của nhà nước.
Tôi cho
rằng, các giải pháp mà cơ quan quản lý đưa ra trong thời gian qua về lý
thuyết dường như đã bắt đúng bệnh rồi. Song những giải pháp đó được ví
như những liều thuốc bắc nên cũng phải ngấm từ từ, cần phải có thời
gian.
Bên cạnh đó, trong thời gian qua, dư luận nói nhiều về khái
niệm “cứu bất động sản”, nhưng dường như không phù hợp lắm vì thực tế
các ông chủ bất động sản vẫn ở biệt thự, đi xe sang. Do vậy, nên chúng
ta nên thay bằng cụm từ “tạo điều kiện cho người thu nhập trung bình mua
được nhà trong lúc này” thì đúng hơn, vì nếu để thị trường bất động sản
“sốt” lên thì họ cũng không thể mua được”.
Thuốc phải đúng liều, đúng lúc
(Ông Trương Chí Kiên, Phó tổng giám đốc Công ty Bất động sản Him Lam Thủ đô)

“Theo
tôi năm 2013 thị trường phụ thuộc rất nhiều vào các công cụ và cơ chế
của Chính phủ. Nếu không can thiệp vào thì rất là khó có thể có chuyển
biến.
Bởi lẽ, nếu nói đến thị trường thì nói đến cung và cầu, và
hiện nay ai cũng biết vì sao lại có sự lệch pha cung cầu, vì sao cung dư
thừa... Nhưng tồn tại của thị trường hiện nay chính là nợ xấu, hàng tồn
kho của bất động sản và nó có liên quan tới cả nền kinh tế.
Tuy
nhiên, hiện các giải pháp mà Chính phủ đưa ra đang hướng tới doanh
nghiệp nhiều hơn, vì thế có thể là sẽ tăng thêm cung. Trong khi giá bất
động sản của chúng ta hiện nay vẫn khá cao so với khả năng chi trả của
người dân.
Do đó, với hàng loạt giải pháp vừa qua tôi cảm thấy
dường như chưa chạm tới vấn đề chính của thị trường, tức là phải thu hút
được tiền nhàn rỗi để giải quyết hàng tồn kho, vì thực tế hiện nay nhóm
có tiền nhà rỗi lại không có nhu cầu về nhà ở.
Để giải quyết vấn
đề này phải đi từ vĩ mô, từ việc kiềm chế lạm phát như thế nào để có
thể giảm lãi suất huy động xuống, buộc người có tiền nhàn rỗi không để
tiền chết trong ngân hàng. Cùng với đó là cân nhắc giảm thuế VAT có thời
hạn để kích thích nhà đầu tư đổ tiền vào bất động sản.
Trong năm
2013, tôi cho rằng thị trường cũng chưa thể khởi sắc được do chưa có
những tác nhân có thể thay đổi được thị trường trong ngắn hạn, trừ khi
sắp tới có những động thái mới mang tính đột phá hơn. Bởi lẽ, nhìn vào
nền kinh tế tổng thể thì dường như chúng ta vẫn chưa thể vươn vai mạnh
mẽ được sau một giai đoạn dài khó khăn”.
haadvn
theo vneconomy.vn
Nhãn: Tin Tức
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ