Cứu thị trường hay lại thổi bong bóng?
Các DN BĐS vẫn hằng ngày than lỗ, kêu khó, rồi nghĩ ra đủ kiểu kiến nghị khiến cho dư luận “nổi sóng”.
Tuy nhiên, cái từ “lỗ’ của các DN này
vẫn còn khá mơ hồ thì trong những ngày gần đây, người ta nói khá nhiều
đến câu chuyện những con số kết quả kinh doanh của những DN thuộc ngành
này trên sàn CK lại cho thấy điều ngược lại. Thậm chí, có những DN còn
phải đính chính vì số lãi thực tế cao hơn đã báo cáo.
![]() |
Ảnh: haad.vn |
BCTC hợp nhất quý IV/2012, CTCP Quốc
Cường Gia Lai (mã QCG) bất ngờ đính chính kết quả kinh doanh của quý này
cũng như cả năm 2012. Theo đó, kết quả kinh doanh hợp nhất quý IV và
lũy kế 2012 đã được đẩy cao đáng kể. So với báo cáo kết quả kinh doanh
được công bố lần đầu, lợi nhuận hợp nhất quý IV đã tăng hơn gấp đôi từ
5,64 tỉ đồng lên 12,45 tỉ đồng. Tương ứng, lợi nhuận lũy kế năm 2012
cũng tăng gấp 3, từ chỉ 3 tỉ đồng lên 9,81 tỉ đồng. Theo giải trình của
Cty, sự sai lệch về số liệu xảy ra do trong quá trình hợp nhất số liệu,
kế toán đã làm nhầm số liệu doanh thu và lợi nhuận của Cty con. Ngoài
ra, vì thời gian công bố BCTC quý IV trùng với thời gian nghỉ Tết âm
lịch nên để “để kịp công bố kết quả kinh doanh hợp nhất cho NĐT, kế toán
làm quá gấp nên để xảy ra tình trạng nhầm lẫn trên”.
Việc QCG có vấn đề trong công bố thông
tin tài chính không phải hiếm gặp. Cty này từng dính nghi án “giấu lãi”
hồi 2010 khi lãi 6 tháng sau soát xét cao gấp 5 lần công bố trước đó của
Cty. Sau đến, cuối năm 2010, báo cáo lưu chuyển tiền tệ 9 tháng của Cty
cũng bị chênh lệch cuối kỳ hơn 83 tỉ đồng. Nguyên nhân cũng được lý
giải tương tự. Còn bản thân vị TGĐ của Cty này thì ai cũng biết là khá
nổi tiếng với thú chơi xe siêu sang có giá trị hàng chục tỉ đồng một
chiếc trong bối cảnh thị trường BĐS khó khăn, kinh tế khủng hoảng.
Và đã có thêm nhiều câu hỏi khi mà theo
thống kê từ 124 DN trên 2 sàn CK gồm có kinh doanh BĐS, sắt thép,
ximăng, xây dựng... thì BĐS vẫn là DN có con số lãi khủng. Thậm chí,
trong thời gian gần đây hàng lọat vụ chuyển nhượng dự án diễn ra, và
người đóng vai chính không phải là giới đầu tư nước ngoài, mà chính là
các DN BĐS trong nước. Vậy câu hỏi đặt ra ở đây là định nghĩa như thế
nào với từ “lỗ” của các DN BĐS và có nên quá vội vã trong việc đổ hàng
chục nghìn tỉ đồng vào cho thị trường này?
Trong câu chuyện lỗ thật hay lỗ giả, có
thể lấy lý do có những con sâu làm rầu nồi canh, nhưng không thể không
lo ngại với việc một lĩnh vực hiện đang tồn tại quá nhiều “góc khuất”,
giá thì “bong bóng” như thị trường BĐS, thì việc giải cứu, không cẩn
trọng, sẽ chỉ là đổ tiền cứu nhà giàu và thổi lại bong bóng BĐS mới, nền
kinh tế không thu được lợi gì và cả người dân cũng vậy. Bài học năm
2009 vẫn còn quá mới. Một gói kích cầu có giá trị hàng tỉ USD được Chính
phủ đưa ra để tiếp sức cho DN, nông dân, với mong muốn sớm vực dậy lại
nền kinh tế đang trên đà suy thoái.
Song, kết quả, không những đem lại lạm
phát cho các năm sau, mà còn mang đến những cảm nhận buồn về sự không
công bằng trong thực thi chính sách. Chúng ta cứ hô cứu thị trường BĐS,
nhưng một vấn đề rất quan trọng là giá BĐS hiện nay đã thật sự hợp lý
hay chưa? Có phù hợp với sức mua của thị trường hay không? Nếu giá thị
trường không phù hợp với sức mua của thị trường thì nếu chúng ta có kích
cầu bằng cách hạ lãi suất cho vay BĐS xuống 7 hay 8% thì vẫn rất khó hỗ
trợ những người cần mua nhà.
haad.vn
Theo infotv.vn
Nhãn: Phân tích
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ