Thuốc mới kê, “bệnh” đã giảm?
Dù nhiều chính sách gỡ khó cho
thị trường vẫn chưa đi vào thực tế, nhưng theo phản ánh của doanh
nghiệp, thị trường đã có những phản ứng khá tích cực.
Theo ông Nguyễn Hồng Thái, Tổng giám đốc
CTCP Đầu tư Hải Phát, dù các chính sách gỡ khó cho thị trường bất động
sản đi vào thực tế chưa nhiều, nhưng nó đã tạo tâm lý yên tâm hơn cho
người dân. Bởi người dân tin rằng, với chính sách mới, nhiều doanh
nghiệp sẽ được hỗ trợ về vốn và nhờ vậy, dự án sẽ được tái khởi động.
Trong khi đó, ông Nguyễn Thế Điệp, Chủ
tịch HĐQT CTCP Đầu tư Reenco Sông Hồng cho biết, những chính sách gần
đây của Chính phủ và Bộ Xây dựng đã “bắt đúng bệnh” của thị trường, vấn
đề hiện nay là phải sớm đưa các chính sách vào cuộc sống.
Theo ông Điệp, hiện đã hết quý I/2013, nhưng mới chỉ có chủ trương cho phép chủ dự án chia nhỏ và chuyển đổi dự án sang nhà ở xã hội bắt đầu đi vào thực tiễn, song việc triển khai vẫn còn quá chậm. Trong khi, các gói giải pháp có thể tác động tích cực đến doanh nghiệp nhiều hơn như giảm thuế, giãn thuế, bơm tiền thì vẫn chưa được triển khai.
Mặc dù nhiều giải pháp vẫn đang ở dạng
“dự thảo”, nhưng ông Điệp cho biết, thị trường đã có nhiều phản ứng tích
cực. Cụ thể, giải pháp chia nhỏ căn hộ và cho chuyển đổi dự án thời
gian qua, đã trở thành lối thoát đối với nhiều doanh nghiệp. Nếu các thủ
tục hành chính được tiến hành nhanh hơn, thì doanh nghiệp càng bớt khó
khăn.
Ông Vũ Cương Quyết, Tổng giám đốc CTCP
Dịch vụ Đất Xanh miền Bắc cho biết, nhiều ý kiến đánh giá, năm 2013, thị
trường bất động sản còn tiếp tục khó khăn, thậm chí khó khăn hơn năm
2012, nhưng thanh khoản của nhiều sản phẩm trong những tháng đầu năm
2013 lại bất ngờ tăng. Sự gia tăng thanh khoản ở một số phân khúc được
ông Quyết lý giải là do tâm lý hứng khởi của nhà đầu tư khi kỳ vọng vào
những chính sách hỗ trợ gần đây, nhất là Nghị quyết 02 của Chính phủ.
Ông Quyết cho biết, hiện gói tín dụng
30.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi 6%/năm chưa chính thức được triển
khai, nên hiệu quả của nó ra sao sẽ rất khó đánh giá. Tuy nhiên, chính
sách cho chia nhỏ căn hộ rõ ràng rất tốt cho doanh nghiệp và cả người
dân có nhu cầu nhà ở thực, vì việc chia nhỏ căn hộ giúp sản phẩm phù hợp
với khả năng chi trả của nhiều khách hàng hơn, nên thanh khoản sản phẩm
sẽ tăng. Trong khi đó, chủ trương cho chuyển dự án thương mại sang nhà ở
xã hội cũng giúp doanh nghiệp có thêm lối thoát. Tuy nhiên, đối tượng
của phân khúc nhà ở xã hội bị hạn chế, nên nhiều doanh nghiệp vẫn còn
cân nhắc trong chuyển đổi.
Trao đổi với Đầu tư Bất động sản, nhiều
khách hàng có nhu cầu mua nhà cũng cho biết, hiện rất kỳ vọng vào chính
sách cho chia nhỏ diện tích căn hộ. Hiện căn hộ trên thị trường không
thiếu, nhưng căn hộ diện tích nhỏ, tổng giá trị căn hộ không quá lớn lại
tập trung chủ yếu tại một số dự án như Đại Thanh, Xa La, Kim Văn - Kim
Lũ của Xí nghiệp Xây dựng tư nhân số 1 Lai Châu, nên khách hàng hầu như
không có nhiều lựa chọn. Vì vậy, nhiều người có nhu cầu về nơi ở phải
chấp nhận trả mức chênh lên đến 50 - 70 triệu đồng/căn để có thể sở hữu
được căn hộ tại các dự án này.
Tuy nhiên, theo đánh giá của một số
doanh nghiệp, cũng do sự kỳ vọng vào các chính sách hỗ trợ, nên nhiều
người dân có tâm lý chờ đợi giá nhà, đất giảm thêm mới mua, khiến nhiều
dự án đang mở bán gặp nhiều khó khăn.
Nguồn: infotv.vn
Nhãn: Phân tích
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
Các liên kết với bài này:
Tạo một Liên kết
<< Trang chủ